Tin tức
HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG 4 TỈNH MIỀN TRUNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
Hỗ trợ người lao động 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đi làm việc ở nước ngoài
Chính phủ và các bộ, ngành tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển miền Trung, trong đó có sự nỗ lực của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc ưu tiên và tạo cơ hội đi xuất khẩu lao động cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung.
Theo thống kê, từ ngày 1-6-2016 đến 31-5-2017 đã có gần 18.000 lao động tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có 10.255 lao động đi làm việc ở Đài Loan: Hà Tĩnh có 6.135 lao động, Quảng Bình có 3.340 lao động, Quảng Trị có 696 lao động và Thừa Thiên- Huế có 84 lao động. Thị trường Nhật Bản có 4.498 lao động: Hà Tĩnh có 2.232 lao động, Quảng Bình có 1.306 lao động, Quảng Trị có 614 lao động, Thừa Thiên – Huế có 346 lao động. Trong đó, 2 chương trình thực hiện trực tiếp tại Bộ LĐ-TB&XH như Chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng đi thực tập tại Nhật Bản thông qua tổ chức IM Japan tại 4 tỉnh đã có 60 lao động trúng tuyển, 57 lao động nhập học. Đến hết tháng 4-2017, toàn bộ 51 lao động của 4 tỉnh tham gia khóa đào tạo đã xuất cảnh sang thực tập tại Nhật bản. Đối với chương trình phái cử ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản theo khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (JVEPA) khóa 5 (tổ chức thi tuyển vào tháng 11-2016). Các ứng viên có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh trên được cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển, tổng số đã có 81 lao động hồ sơ nộp xét tuyển và có 51 lao động trúng tuyển. Các ứng viên này được đào tạo tại Việt Nam trong thời gian 12 tháng từ tháng 12-2016 đến tháng 12-2017. Sau khi kết thúc khóa học, các ứng viên đáp ứng các điều kiện về tiếng Nhật, sức khỏe và tìm được cơ sở chăm sóc sức khỏe tiếp nhận sẽ xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản vào tháng 5-2018.
Riêng đối với thị trường Hàn Quốc đã ưu tiên tuyển chọn lao động các địa phương này đi làm việc tại Hàn Quốc theo các chương trình tàu đánh cá gần bờ, xa bờ và chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (chương trình EPS) trong ngành ngư nghiệp. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã làm việc với phía Hàn Quốc để tăng hạn ngạch tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp nawm2016 lên 1.800 lao động và không áp dụng việc tạm dừng tuyển chọn đối với các huyện ven biển của các địa phương bị sự cố môi trường có tỉ lệ lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao. Năm 2016 đã tuyển chọn được 1.957 lao động của 22 huyện bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, trong đó có 266 lao động đã xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc. Năm 2017, Bộ làm việc với phía Hàn Quốc để tăng hạn ngạch tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp năm 2017 và không áp dụng việc tạm dừng tuyển chọn lao động trong ngành ngư nghiệp theo chương trình EPS năm 2017 đối với các huyện ven biển của các địa phương bị sự cố môi trường. Tính đến 31-5-2017, số lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc tại 4 tỉnh là 1.122 lao động.
Bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính là cơ hội tốt dành cho những lao động tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tham gia xuất khẩu lao động, đặc biệt là xuất khẩu lao động ngành biển.