Tin tức
Định hướng hợp tác lao động việc làm và an sinh xã hội với Bungaria và Rumani
Từ ngày 24/11/2018 đến ngày 01/12/2018, Đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung dẫn đầu đã đi thăm và làm việc tại Bungari và Rumani về các vấn đề định hướng hợp tác trong lĩnh vực lao động và anh sinh xã hội.
Tại Bungari, trong chương trình công tác, Đoàn đã có buổi hội đàm với Bộ Lao động và Chính sách xã hội Bungari các nội dung về lao động, đào tạo nghề, bảo hiểm và an sinh xã hội và khả năng hợp tác chung trên các lĩnh vực của ngành.
Riêng về vấn đề lao động di cư, phía bạn cho biết đang có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài vào làm việc để bù đắp sự thiếu hụt lao động trong nước do số lượng lớn lực lượng lao động Bungari đã di cư sang các nước Châu Âu có thu nhập cao hơn. Phía bạn nêu rõ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người lao động Việt Nam sang làm việc tại Bungari trong một số ngành nghề như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, sản xuất chế biến, lái xe. Đồng thời Bạn cũng đề nghị phía Việt Nam quan tâm đến công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ, pháp luật và phong tục tập quán, văn hóa của Bungari cho người lao động trước khi đi làm việc tại Bungari. Trong cuộc hội đàm, hai bên đã tích cực trao đổi tìm hiểu nhu cầu và khả năng đáp ứng của mỗi bên về vấn đề lao động việc làm để tìm hướng phát triển hợp tác.
Ngày 27/11/2018 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Lao động và Chính sách Xã hội Bungari đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động và an sinh xã hội nhằm thiết lập quan hệ hợp tác tích cực và lâu dài trong lĩnh vực lao động và chính sách xã hội, trên tinh thần hợp tác và mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Bản ghi nhớ gồm 12 nội dung: Pháp luật lao động; Các hoạt động liên quan đến chính sách việc làm tích cực cho các nhóm yếu thế trong thị trường lao động; Đào tạo lại cho người đã có việc làm và người thất nghiệp; Bảo trợ xã hội và trợ giúp xã hội cho nhóm công dân bị tổn thương; Ngăn ngừa tình trạng việc làm bất hơp pháp; Chính sách hòa nhập cho người khuyết tật, các hình thức để đảm bảo môi trường cho người khuyết tật tiếp cận tốt việc làm; Chống phân biệt đối xử và bình đẳng giới; An toàn vệ sinh lao động; Lao động di cư; Chính sách về thu nhập và các biện pháp chống đói nghèo và không đươc hòa nhập xã hội; Phát triển hệ thống an sinh xã hội và hưu trí; và các lĩnh vực khác được thỏa thuận giữa các bên.
Tại Rumani, Đoàn công tác đã làm việc với Bộ Lao động và Công bằng Xã hội Rumani, hai bên đã trao đổi các nội dung về hợp tác lao động, dạy nghề, bảo hiểm và an sinh xã hội. Về tình hình thị trường lao động, phía bạn cho biết Rumani đang có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài đặc biệt trong một số ngành nghề như: hàn, xây dựng, sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp và đảm bảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người lao động Việt Nam sang làm việc tại Rumani. Phía Bạn cũng đánh giá chất lượng lao động Việt Nam tốt, người lao động Việt Nam thông minh, sáng tạo, cần cù chịu khó. Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị phía Bạn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người lao động Việt Nam sang làm việc tại Rumani.
Cũng trong chuyến công tác tại Rumani, ngày 28/11 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Lao động và Công bằng Xã hội Rumani đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và an sinh xã hội.
Ngoài ra Đoàn Công tác phối hợp với Đại Sứ Quán Việt Nam tại Rumani đã tổ chức tọa đàm “Thị trường lao động Rumani cơ hội và thách thức”. Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn của Rumani có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi về tình hình, triển vọng thị trường, khả năng tiếp nhận của Rumani và các cơ hội, thách thức đối với người lao động khi làm việc tại đây.
Qua chuyến thăm và làm việc, Đoàn công tác nhận thấy Rumani và Bungari là thị trường tiềm năng có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, các ngành nghề phù hợp với người lao động Việt Nam, chủ sử dụng không đòi hỏi quá cao về kỹ năng nghề, mức lương và thu nhập của người lao động được đảm bảo, vì vậy với sự nỗ lực của cả hai bên, trong tương lai sẽ có nhiều lao động Việt nam có cơ hội sang làm việc hợp pháp tại hai quốc gia Đông Âu này.
Theo CQL LĐNN