CTY CP XUẤT NHẬP KHẨU VÀ CUNG ỨNG NHÂN LỰC CIP.CO

Tiếng Việt  jp en

Đăng ký

  • Họ tên:
  • Tên đăng nhập:
  • Điện thoại:
  • Email:
  • Mật khẩu:
  • Xác nhận mật khẩu:

Đăng nhập

  • Tên đăng nhập:
  • Mật khẩu:

THỰC TẬP SINH VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC TẠI NHẬT BẢN: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

02/07/2018
Đăng bởi: Admin
 

Việt Nam bắt đầu đưa thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản theo Chương trình tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài của Nhật Bản từ năm 1992 theo Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ. Kể từ khi thực hiện chương trình đến nay, số lượng thực tập sinh Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản hàng năm đều tăng.

Thực tập sinh Việt Nam nhận được sự đánh giá cao của giám đốc, người quản lý công ty tiếp nhận Nhật Bản về đức tính cần cù, chăm chỉ, tiếp thu công việc nhanh, có tinh thần hợp tác trong công việc. Có thể nói chương trình hợp tác phái cử và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam đến Nhật Bản thời gian qua đã đạt được kết quả khả quan, đem lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia. Sự hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực này vừa góp phần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, cũng vừa bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt cho Nhật Bản. Trong quá trình thực tập tay nghề, trình độ kiến thức và tác phong công nghiệp của thực tập sinh được nâng lên rõ rệt, có khả năng đảm đương được những công việc khó, phức tạp hơn khi trở về nước. Sau khi trở về nước, nhiều thực tập sinh đã sử dụng có hiệu quả những kinh nghiệm học hỏi được để phát triển tay nghề, phát triển kinh tế, nhiều thực tập sinh đã trở thành cán bộ nòng cốt của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Có những thực tập sinh đã trở thành giám đốc, quản lý của công ty.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thực tập sinh Việt Nam không có những hiểu biết cần thiết về văn hóa, cuộc sống tại Nhật Bản và gặp khó khăn khi phải thích nghi với môi trường làm việc mới.

Dưới đây là những điều thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản cần biết để có thể thích nghi nhanh, đồng thời tránh những hiểu lầm, sai phạm đáng tiếc trong thời gian sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

* Thực tập sinh Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản – những điều cần biết:

Những điều than phiền từ phía người Nhật – thực tập sinh cần lưu ý:

1. Không tuân thủ thời gian, không giữ lời hứa.

2. Hay đưa ra lý do bao biện khi làm sai, đến muộn, không thừa nhận lỗi hay chịu nhận lỗi về mình mà đổ lỗi cho người khác.

3. Mang giầy dép đi bên ngoài vào nhà.

4. Khi ăn uống thường làm bẩn bàn ăn, vứt đồ ăn xuống đất, sàn nhà.

5. Sử dụng bếp một cách dơ bẩn, vứt mọi thứ vào ống nước thải.

6. Không tuân thủ nguyên tắc vứt rác của khu vực.

7. Ném tàn thuốc lá còn cháy, vứt bã kẹo cao su, chén mì ăn liền… qua cửa sổ nhà.

8. Khi phơi quần áo không chịu vắt nước để nhỏ xuống làm phiền người đi bên dưới.

9. Ban đêm tụ tập đông người làm ồn ào, gây phiền hàng xóm.

10. Trong cửa hàng hay sờ mó hàng hóa hoặc kéo nài, mặc cả.

11. Trong quán ăn, nơi công cộng mặc dù có gạt tàn thuốc nhưng vẫn gạt xuống sàn nhà.

12. Nhổ nước bọt hoặc khạc đờm ở ngoài đường và cả trong nhà.

13. Không hẹn trước hoặc gọi điện thoại trước khi đến nhà người khác chơi không kể ngày đêm.

14. Gây ra tai nạn nhưng có thể vì không quen với chế độ bảo hiểm nên cứ khăng khăng cho mình là đúng, khiến việc giải quyết mất nhiều thời gian.

15. Tự ý sử dụng đồ đạc của người khác mà không được sự đồng ý.

Vậy cần phải làm gì để không bị than phiền như trên?

Thực tập sinh cần nắm được những nguyên tắc cơ bản trong văn hóa của người Nhật như sau:

-Văn hóa chào hỏi:

Người Nhật rất coi trọng việc chào hỏi, ở đâu, lúc nào và đối với bất cứ ai họ cũng đều tỏ ra rất lịch sự và nghiêm túc trong việc chào hỏi lẫn nhau. Trong giao tiếp truyền thống của người Nhật có những quy tắc, lễ nghi mà mọi người đều phải tuân theo tùy thuộc vào địa vị xã hội, mối quan hệ xã hội của từng ngời tham gia giao tiếp. Người có địa vị xã hội thấp và người trẻ tuổi thì chào trước, cúi thẳng lưng và đầu để chào, cúi càng thấp càng thể hiện sự kính trọng, lịch sự với người được chào.

Theo quy tắc đó, thầy hướng dẫn, người quản lý tại nơi làm việc, người lớn tuổi hơn… là “người trên” nên thực tập sinh cần chủ động chào trước, chào to, rõ ràng và hãy luôn nhớ mỉm cười khi chào. Ngoài ra, hãy luôn thân thiện niềm nở, sẵn lòng giúp đỡ người xung quanh, có như vậy sẽ được người của công ty, các thực tập sinh khác quý mến và giúp đỡ  lại. Thực tập sinh cũng nên nhớ nói lời cảm ơn và xin lỗi trong mọi trường hợp là điều bình thường ở xã hội Nhật.

-Tuân thủ thời gian:

Trong sinh hoạt, người Nhật rất chú trọng đến thời gian bắt đầu, luôn lưu ý sao cho không bị trễ giờ đi làm, giờ bắt đầu họp, giờ bắt đầu lớp học hay ngay cả giờ bắt đầu buổi tiệc. Ngoài ra khi đến thăm, hẹn gặp một ai đó, cần phải điện thoại trước để xin phép được ghé thăm và tuyệt đối không trễ giờ hẹn. Thời gian có ý nghĩa đặc biệt với người Nhật vì không muốn mọi người bị làm phiền do việc đến trễ của một người. Hãy đến trước giờ hẹn ít nhất 10 phút, trước giờ làm việc 15-30 phút. Trường hợp không thể tránh được việc trễ giờ thì thực tập sinh nhất định phải gọi điện thoại cho người của công ty hay người hẹn để thông báo, xin phép đến muộn và nói rõ lý do đến muộn.

- Tuân thủ quy định của pháp luật Nhật Bản:

Thực tập sinh ngoài việc phải tuân thủ các quy định tại nơi thực tập còn phải tuân thủ các quy định pháp luật Nhật Bản. Tuyệt đối không được có các hành vi như đánh nhau, gây thương tích cho người khác, trộm cắp cướp… và các hành vi khác được cho là vi phạm luật hình sự của Nhật Bản.

Luật Hình sự Nhật Bản quy định đối với một số tội danh như sau:

- Phạm tội trộm cắp:

Người có hành vi lấy trộm tài sản của người khác sẽ bị coi là phạm tội trộm cắp và sẽ bị xử phạt tù dưới 10 năm (khoản 1 Điều 235 Bộ luật Hình sự Nhật Bản).

- Phạm tội chuẩn bị cướp:

Người có hành vi chuẩn bị nhằm mục đích cướp tài sản của người khác thì bị xử phạt tù dưới 2 năm (Điều 237 Bộ luật hình sự Nhật Bản).

- Phạm tội cướp:

Người có hành vi cưỡng ép hoặc dùng bạo lực để cưỡng đoạt tài sản của người khác thì bị coi là phạm tội cướp và sẽ bị xử phạt tù trên 5 năm (khoản 1 điều 236 Bộ luật HSNB).

- Phạm tội cướp của gây thương tích và giết người:

Người có hành vi cướp của và gây thương tích cho người khác sẽ bị xử phạt tù từ 7 năm đến chung thân. Trong trường hợp gây tử vong cho nạn nhân sẽ bị phạt tù chung thân đến tử hình (Điều 240 Bộ luật HSNB).

- Phạm tội hiếp dâm, cướp của, giết người:

Người có hành vi hiếp dâm cướp của sẽ bị xử phạt tù từ 7 năm đến chung thân. Trong trường hợp gây tử vong cho nạn nhân sẽ bị phạt tù chung thân đến tử hình (Điều 241 Bộ luật HSNB).

- Văn hóa nơi công cộng:

+ Giữ trật tự:

Xã hội Nhật Bản hiện đại có một nền tảng quan trọng là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, trong cuộc sống điều tối kị là làm ảnh hưởng và xâm phạm đời tư của người khác. Các bạn thực tập sinh hãy nhớ có thể làm gì tùy ý trong không gian riêng tự do nhưng ở nơi công cộng phải tôn trọng những quy tắc đã có. Và một trong những quy tắc ứng xử đầu tiên cần phải học khi đến Nhật là giữ trật tự, không nói to, gây ồn ào làm phiền đến người xung quanh.

+Khi sử dụng thang cuốn:

Các thực tập sinh lưu ý tại Nhật có nguyên tắc khi sử dụng thang cuốn là người đứng về phía bên trái, còn phía bên phải dành cho người đi lên/xuống (riêng Osaka thì ngược lại, người đứng về phía bên phải, còn người đi lên/xuống ở phía bên trái). Ngoài ra, cũng cần lưu ý không đứng tụ tập ở 2 đầu cầu thang cuốn sẽ gây cản trở lối đi của những người xung quanh và khi đông người cần xếp hàng theo dòng người để lần lượt lên thang cuốn.

+ Khi sử dụng thang máy:

Ở nơi công cộng như nhà ga, thang máy chỉ dành cho người già, trẻ em, những người khó khăn trong chuyện đi lại. Còn lại mọi người đều sử dụng thang bộ hoặc thang cuốn. Khi chờ thang máy, xếp hàng lần lượt theo thứ tự và đứng dạt về hai bên để chừa lối cho người di chuyển từ thang máy đi ra. Chờ mọi người ra hết thì mới bắt đầu bước vào, tuyệt đối tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy.

+ Khi đi tàu:

Đến Nhật phương tiện công cộng di chuyển phổ biến nhất là tàu điện, ngoài việc tuân thủ văn hóa xếp hàng nơi công cộng, thực tập sinh cần lưu ý những điểm sau đây:

. Đứng chờ tàu sau vạch an toàn đã được kẻ sẵn ở nhà ga.

. Khi tàu đến, đứng dạt sang hai bên để tạo lối đi cho người từ trên tàu đi xuống trước rồi mới bước lên tàu.

. Hầu hết tàu điện tại Nhật đều có các khu vực ưu tiên (cho người già, phụ nữ mang thai, trẻ em…) do đó cần lưu ý không ngồi vào khu vực này.

. Không điện thoại, nói chuyện ồn ào khi ở trên tàu bởi sẽ làm phiền đến những người xung quanh.

. Không nên ăn uống trên tàu, nếu đói quá hãy chỉ ăn gì đó gọn nhẹ, tránh làm vương vãi mất vệ sinh hoặc những món ăn có mùi khó chịu.

+ Khi đi xe đạp:

Xe đạp cũng là một trong những phương tiện đi lại được người Nhật sử dụng phổ biến. Nhiều thực tập sinh sau khi sang Nhật sử dụng xe đạp để di chuyển từ nơi ở đến công ty. Ở Nhật người đi bộ sẽ đi bên phải, các phương tiện giao thông xe cộ sẽ đi bên trái, ngược lại hoàn toàn với thói quen đi lại của người Việt Nam nên các thực tập sinh hãy lưu ý khi đi xe đạp, cần chú ý quan sát và tuân thủ những điều sau đây để tránh xảy ra tai nạn.

. Quan sát kỹ tín hiệu đèn báo giao thông, đặc biệt cẩn thận khi rẽ phải.

.Xe đạp được đi trên vỉa hè, đi bên trái đường. Tuy nhiên người đi bộ được ưu tiên hơn xe đạp nên cần nhường đường cho người đi bộ.

.Không được phép đèo người khi đi xe đạp.

.Khi có nhiều người cùng đi xe đạp, hãy nhớ lái xe theo một hàng. Đừng nói chuyện với bạn bè trong khi đi xe đạp vì có thể mất tập trung dẫn đến tai nạn.

+ Văn hóa ăn uống và phép lịch sự

. Khi ăn tuyệt đối không được bỏ thức ăn thừa ra trên bàn hoặc vứt xuống sàn nhà.

. Thức ăn thừa bỏ ở một góc trống của đĩa, tuyệt đối không vứt bừa bãi. Không để bàn ăn bẩn, sau khi ăn cần lau dọn sạch sẽ.

. Không được dùng đũa mình đang sử đụng để gắp thức ăn cho người khác.

. Giống ở Việt Nam, khi ăn cơm nên cầm bát cơm trên tay chứ đừng đặt trên bàn rồi cúi đầu xuống ăn.

. Trong các nhà hàng tự chọn (buffet), ăn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Đừng lấy thật nhiều rồi bỏ thừa, như thế rất không hay ở Nhật Bản, thậm chí có thể bị phạt tiền.

. Ngược lại với Việt Nam, ở Nhật khi ăn các món bún, mỳ, miến mà phát ra tiếng “sụp soạp” thì không bị coi là mất lịch sự. Trái lại người ta quan niệm tiếng “sụp soạt” là thể hiện đang ăn ngon miệng.

+ Văn hóa vứt rác:

Người Nhật có thói quen luôn đem theo người một túi nilon nhỏ để đựng rác, không vứt rác ra đường. Vì vậy, đường phố lúc nào cũng sạch sẽ dù rất ít thùng rác. Thêm vào đó, ở Nhật để thuận lợi cho việc xử lý, tái sử dụng và tái sinh rác, tất cả các nơi đều có quy định về cách phân loại rác tại địa phương đó và người dân Nhật luôn tuân thủ theo đúng những quy định đó. Các quy định ở mỗi địa phương là khác nhau nên thực tập sinh sống và làm việc ở khu vực nào cần phải tuân theo quy định ở khu vực đó. Khi vứt rác ở nơi công cộng cũng cần lưu ý xem biểu tượng ở phía trên thùng rác hoặc nhìn rác đang vứt sẵn trong thùng để biết vứt theo đúng quy định phân loại.

* Các điều cần lưu ý khác

. Tại nơi công cộng ở Nhật có để ô dù, dép lê... có thể sử dụng tự do. Vì là đồ vật không có chủ nên có một số thực tập sinh tự ý mang về nhà làm của riêng. Như vậy sẽ trở thành hành vi trộm cắp. Có nhiều vụ việc xảy ra do thực tập sinh tự ý sử dụng xe đạp để ở nhà ga hoặc để bên ngoài khu trung tâm thương mại… Tại Nhật Bản, dù là vật không có chủ, bị bỏ đi, hoặc hái nấm, măng tre trong rừng hoặc nhặt hạt dẻ trong sân nhà người khác khi chưa có sự cho phép đều bị coi là hành vi trộm cắp. Chỉ được sử dụng những đồ vật mà bản thân bạn đã mua và trả tiền hoặc những đồ vật được nhận trực tiếp từ người khác.

. Không hỏi tuổi người đang nói chuyện với mình.

. Không dùng ngón tay chỉ vào người khác.

. Không nên động chạm vào người đang nói chuyện với mình kể cả lúc đùa vui cũng như lúc giận dữ, cãi cọ.

. Không gây ồn ào vào ngày nghỉ và buổi tối.

. Không tụ tập tán gẫu vào ban đêm.

. Không nói chuyện to, hát karaoke buổi tối.

. Giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, vệ sinh môi trường và tham gia vệ sinh nơi công cộng.

.Khi không hiểu hoặc chưa rõ bất kỳ cách thức cư xử hoặc phép tắc nào thì nhất định phải hỏi.

Trên đây là một số điều thực tập sinh cần lưu ý để có thể hiểu, hòa nhập và thích nghi với môi trường sống và làm việc tại Nhật Bản. Có thể thấy, Nhật Bản là đất nước rất tôn trọng luật lệ và có khá nhiều luật lệ trong đời sống hàng ngày.

Vì vậy, ngoài chú trọng công tác đào tạo tiếng Nhật và giải thích cặn kẽ về công việc, hợp đồng cũng như quy định của chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản, công tác bồi dưỡng kiến thức cần thiết về văn hóa, đất nước, con người Nhật Bản dành cho thực tập sinh trước khi sang làm việc là rất quan trọng, cần được các công ty phái cử đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, bản thân thực tập sinh cũng cần tự nâng cao ý thức, chủ động tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống tại nơi mình sang làm việc và sinh sống trong thời gian thực tập kỹ năng tại Nhật Bản để có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, tránh phạm phải những lỗi không đáng có.

                                                                                                               Lê Thị Quý Hương

                                                                                           (Cục Quản lý lao động ngoài nước)

scroll top